Một người yêu du lịch

Follow Me

  • Home
  • /
  • Blog
  • /
  • Văn hóa đạo Hồi- Đồ ăn- Trang Phục
Văn hóa đạo Hồi- đồ ăn Halal- trang-phuc

Văn hóa đạo Hồi- Đồ ăn- Trang Phục

Văn hóa đạo Hồi- Đồ ăn Halal

Người theo đạo Hồi chỉ được ăn thịt Halal, tức là thịt được giết mổ theo nghi thức của đạo Hồi. Tuy nhiên, trong trường hợp tuyệt đối không có gì ăn, họ được ăn mọi thứ để duy trì sự sống. Thực phẩm cho người Hồi giáo phải đạt chứng nhận Halal.

Halal theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là “hợp pháp” hoặc cho phép. Đối lập với Halal là Haram, có nghĩa là trái pháp luật hoặc bị cấm. Halal và Haram là những thuật ngữ áp dụng cho tất cả các khía cạnh của cuộc sống người Hồi giáo. Những món ăn Halal phải đạt tiêu chuẩn và phù hợp với chế độ ăn uống mà đạo Hồi đề ra trong kinh Koran.

Thịt động vật đạt tiêu chuẩn Halal phải thỏa mãn các yêu cầu sau:

Người giết mổ thịt phải nói trước từ Allah (nghĩa là chúa trời)

Động vật phải được giết mổ ở khe cổ họng với dụng cụ được mài sắc để đảm bảo tính nhân đạo.

Động vật phải còn sống trước khi giết mổ.

Thịt Halal không dính máu. Sau khi hoàn tất quá trình giết mổ, thịt phải được treo ngược lên để máu chảy hết ra.

Theo tiêu chuẩn Halal, không phải ai cũng được giết mổ, động vật phải được giết mổ bởi người Hồi Giáo hoặc người Do Thái.

Động vật không được cho ăn bởi những thức ăn làm từ động vật khác.

Các động vật như bò, dê, cừu, nai, gà, chim, vịt,… nếu được giết mổ theo đúng nghi thức Hồi Giáo trên thì mới đạt chuẩn Halal.

văn hóa đạo Hồi- đồ ăn
Đồ ăn Halal

Theo văn hóa đạo Hồi, thì thịt lợn cũng không được ăn bởi người đạo Hồi vì họ cho rằng con lợn là loài vật ăn tạp, bẩn thỉu. Họ sẽ không ăn thịt lợn hay bất cứ thứ gì làm từ thân thể của lợn.

Tóm lại, món thịt phổ biến nhất của người theo đạo Hồi là: Thịt gà! Thịt gà, thịt gà và thịt gà! Sang trọng hơn thì ăn thịt cừu (lamb). Bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy thịt lợn, thịt chó,… hay các món được coi là đặc sản của Việt Nam ở các nước đạo Hồi đâu nhé. 

Hiểu cơ bản về đạo Hồi Giáo

Khi người Hồi giáo sang Việt Nam, hoặc là họ lựa chọn ăn chay, ăn đồ ăn Halal ở các nhà hàng Halal hoặc ăn hải sản (tôm, cá to, chứ họ cũng không biết ăn cua ghẹ, ốc ngao hay các món hải sản không xương đâu nhé). Tuy vậy, cũng có một số bạn ngoại lệ, kiểu, nhạc gì cũng nhảy. Nếu có ý định mời người bạn đạo Hồi ăn uống gì đó thì nên hỏi trước xem họ kiêng món gì để tránh ra nhé. 

Có lần, tôi hộ tống đoàn sinh viên Indonesia sang Hà Nội làm từ thiện. Vào một bữa sáng, tôi chạy lên nhà ăn, xem các em nó đang ăn gì. Một em gái đang ăn cái xúc xích ngon lành. Tôi bảo nó, xúc xích làm từ thịt lợn đấy. Nó ôm mặt khóc rung rức! Nhìn mà thương quá trời! 

Có hôm khách thích ăn phở Việt Nam, phải dặn với chủ quán, đừng cho bất kì cái gì liên quan đến thịt lợn vào, dù chỉ là tí dầu mỡ dính vào xong chảo. Nhưng tránh sao được nhỉ? Cứ ăn đi chứ! Sang Việt Nam mà không ăn phở là một thiếu sót lớn!

Văn hóa Hồi Giáo- Đồ ăn Halal
Đồ ăn Halal

Người theo đạo Hồi cũng không được phép sử dụng đồ uống có cồn, các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia….gây hại cho sức khỏe. Nên đừng mời người đạo Hồi uống rượu nhé các bạn! Họ không uống, không phải vì “chú lại khinh anh” mà là vì quy định tôn giáo. 

Đồ ăn Halal có ngon không?

Lúc đầu, bạn sẽ thấy rất khó ăn vì nó là đồ khô. Nhìn bàn thức ăn trên, bạn sẽ thấy rõ! Ngoài ra, họ thường cho nhiều cà ri, các mùi gia vị khác nữa. Ăn nhiều lần, bạn sẽ thấy quen và cũng thấy ngon!

Nếu làm việc với môi trường có nhiều khách hàng là người đạo Hồi hay các nước trong khu vực Tây Nam Á, thì bạn bắt buộc phải làm quen với đồ ăn Halal nhé. Trường hợp của mình, làm việc với nhiều khách du lịch là người đạo Hồi, nên mỗi lần đi ăn, thì chỉ có thể là Halal, Halal và Halal. Có những lần, 3 ngày liền đều phải ăn đồ Halal, đêm về, cái bụng nó bấn loạn vì cà ri, ớt… không biết phải làm sao luôn.

Người đạo Hồi có ăn đồ ăn Việt Nam không?

Có lần, tôi đi đám cưới cô bạn trên Ba Vì, Hà Nội, không có bạn bè nào đi cùng cho vui, đành rủ thêm anh bạn Ai Cập. Anh ta vui vẻ, háo hức lắm vì được đi dự đám cưới quê ở Việt Nam. Cho đến khi được cả chục đấng mày râu mấy bàn bên cạnh, đến mời rượu. Anh ta chỉ biết đứng cười! Một bên là sự hiếu khách đến mặn nồng như chén rượu đám cưới, một bên là quy định của đấng tối cao Muhammad.

Biết làm sao đây? Tôi đành phải giải thích với các cụ nhà ta là bạn ấy không được phép uống rượu vì theo quy định Hồi giáo. Nhưng các cụ vẫn không chịu nghe, thế là tôi đành phải ra tay “mỹ nhân cứu anh hùng”, cũng súc miệng một chén cay cay, uống thay cho anh bạn kia để các cụ vui lòng.

Ngồi xuống mâm cỗ thì toàn gà, giò, thịt lợn, làm gì có đồ nào Halal trừ món củ quả luộc. Thế là, bữa đó, anh bạn kia được một trải nghiệm nhớ đời, còn tôi thì cũng học được bài học to đùng: Mang bạn đi ăn cưới, để bạn bị đói meo! Mặc dù rất muốn các bạn đạo Hồi được trải nghiệm phong tục Việt Nam nhưng kể từ đó tôi từ bỏ suy nghĩ mời các bạn đi ăn cỗ cùng. 

Văn hóa đạo Hồi- trang phục của người Hồi giáo

Về trang phục Hồi giáo, theo điều răn trong kinh thánh là trang phục của nam và nữ phải hướng tới sự khiêm tốn và không phô trương. Sự “khiêm tốn”, tức là không phơi bày da thịt, phần nữ là từ đầu đến chân, ngoại trừ bàn tay và mặt, phần nam là từ rốn xuống đầu gối.

Trong Koran không có đâu là cấm phụ nữ hở mặt hay phải đội khăn cả. Từ Hijab (che đậy), ta có thể hiểu là sự ngăn chia giữa riêng tư và xã hội bên ngoài hay là khăn che tóc (nhưng không che mặt) trong truyền thống.

Văn hóa hồi giáo- trang phục

Nhưng dù sao thì, cùng với sự tàn phai của năm tháng, sự giao thoa văn hóa, những quy định trong kinh thánh đã không còn được thực thi nguyên bản. Ngày nay, ở nhiều quốc gia, đặc biệt, khu vực vùng vịnh như: Saudi Arab, UAE… phụ nữ khi đi ra ngoài đường phố vẫn trùm kín mạng che mặt, mặc trang phục trùm kín từ đầu đến chân với một màu đen huyền bí.

Cùng lúc đó, cũng là người đạo Hồi, ở Pakistan, các cô gái có thể mặc quần áo hiện đại, rộng một chút, miễn là không để lộ đường cong và các phần nhạy cảm, có mang theo khăn, nhưng chỉ để hững hờ trên vai. Và trên thực tế, ở ngay trong cùng một đất nước, cách ăn mặc cũng khác nhau giữa người dân thành thị và nông thôn. Đối với người dân đạo Hồi ở các vùng xa hoặc người thuộc thế hệ già, họ vẫn giữ những nét ăn mặc truyền thống, ăn mặc có phần kín đáo, như những bóng đen di động. 

Đối với đàn ông theo đạo Hồi, là những người truyền thống và đã có tuổi, họ để râu dài, hoặc tỉa tót để có bộ râu trông như quý tộc ngày xưa. Họ sẽ lấy làm tự hào về bộ râu lắm!

Chất liệu, thiết kế và màu sắc của trang phục trong văn hóa đạo Hồi cũng nói lên sự khác biệt sang, hèn của người mặc. Thông thường, người dân thành thị, giới văn phòng thường chọn màu trắng và kem. Người sống ở vùng cao nguyên chọn áo màu sặc sỡ xanh, đỏ, 7 sắc cầu vồng. 

Lưu ý cho giới nữ, khi đi du lịch, công tác đến các nước Hồi giáo, bạn nên ăn mặc phù hợp, không để lộ những phần nhạy cảm trên cơ thể. Hãy thể hiện sự tôn trọng đối với văn hóa nước sở tại, tìm hiểu về văn hóa Hồi giáo, văn hóa đạo Hồi và đừng quên sắm cho mình vài cái khăn quàng, để tạo dáng chụp ảnh duyên dáng nhé. 

Và có một đặc trưng của người Hồi Giáo, đặc biệt nam giới là họ dùng nước hoa với mùi rất nồng, rất mạnh. Người Hồi giáo, đặc biệt khu vực Trung Đông, họ thích các mùi hương, thích dùng trầm hương để đốt, xông phòng cho thơm trong lúc cầu nguyện. 

Leave a Reply